Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo CTPT 2018 gắn với tăng cường chuyển đổi số mạnh mẽ trong dạy học. Hiệu ứng tích cực từ người học.

Lượt xem:

Đọc bài viết

Để học sinh yêu Toán, đạt kết quả tích cực cần sự vận động từ nhiều phía: Nhà trường, giáo viên, học sinh. Trong đó, quan điểm, phương pháp dạy và học môn này cũng cần thay đổi, đáp ứng yêu cầu của thời 4.0: Tính ứng dụng, khả năng suy luận và giải quyết vấn đề.

Đến ngày nay, việc học Toán để học sinh hiểu tri thức Toán học, tiếp cận được cái hay, đẹp của nó thông qua hoạt động học Toán, phát triển tư duy , giúp học sinh “phát triển năng lực Toán học, phát triển tư duy, giúp học sinh yêu thích Toán học, vận dụng Toán học vào học tập và cuộc sống”. Học sinh được trải nghiệm vẻ đẹp Toán học, ý nghĩa của kiến thức Toán, giá trị thực tiễn và hơi thở cuộc sống trong Toán học.

Trao đổi thực tế với nhiều giáo viên từ bậc tiểu học đến THCS trên địa bàn huyện trong khuôn khổ nghiên cứu về đánh giá trong dạy học môn Toán, tôi nhận được sự phản ánh rằng “môn Toán giờ đây đã tuyên bố rõ mục đích dạy học, để phát triển năng lực tư duy, năng lực mô hình hoá Toán học, giải quyết vấn đề Toán học… ”

Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc học Toán. Chúng ta không thể thờ ơ với lối mòn giảng dạy thiên về ôn luyện để đáp ứng thi cử được. Chúng ta cũng không thể đánh mất cơ hội tạo dựng vốn sống, cảm nhận cái hay, cái đẹp của tri thức Toán học thông qua trải nghiệm, ứng dụng Toán học chỉ vì những nhận thức sai lầm về phạm vi kiến thức Toán. Hy vọng, mỗi người dạy, người học đều có thể nhận thức đúng, có cách làm đúng và dám phản biện để môn Toán được triển khai thật tốt.

Đổi mới kiểm tra đánh giá sẽ thay đổi cách dạy – học

Nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Toán tinh giản nhiều so với Chương trình giáo dục 2006 nhưng chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế và ai cũng có thể học được Toán.

Nội dung được chia làm 2 giai đoạn là giáo dục cơ bản (lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến lớp 12). Đây là giai đoạn giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về Toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của Toán học trong đời sống thực tế, ngành nghề liên quan đến Toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này, cũng như có đủ năng lực tối thiểu để tự mình tìm hiểu những vấn đề liên quan đến Toán học trong suốt cuộc đời.

Chương trình môn Toán được tích hợp xoay quanh 3 mạch nội dung chính là: Số, Đại số và Một số yếu tố Giải tích; Hình học và Đo lường; Xác suất và Thống kê, thực hiện tích hợp liên môn thông qua các nội dung chủ đề liên quan hoặc các kiến thức Toán học được sử dụng trong các môn học khác như: Vật lý, Hóa học, Địa lý, Tin học, Công nghệ, Lịch sử, Sinh học,… Ngoài ra chương trình còn tích hợp nội môn và liên môn thông qua các hoạt động thực hành và trải nghiệm.

Với những mặt tích cực và giá trị hiệu quả mà Chương trình giáo dục phổ thông mới mang lại, giáo viên tổ Toán THCS huyện Đắk Song đã và đang thay đổi phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá để phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay và thời gian tới.

Về phân công chuyên môn: Vì chương trình đổi mới theo lộ trình từng năm học nên trường chỉ đạo tổ trưởng giao các giáo viên có kinh nghiệm tiếp cận trước và hướng dẫn lại cho đồng nghiệp. Đến năm học 2024 – 2025 bậc THCs nói riêng thực hiện CTGDPT 2018 cho tất cả các khối học từ 6 tới 9.

Về phương pháp dạy, giáo viên phải thay đổi từ cách chuẩn bị kế hoạch dạy học: Chuẩn bị theo các bước (Khởi động – Hình thành kiến thức – Luyện tập, củng cố – Tìm tòi mở rộng), theo đúng theo con đường tư duy nhận thức của học sinh và có tính phân hóa cao cho tất cả người học.

 

Thời gian đầu thực hiện chương trình mới, trong các buổi sinh hoạt tổ sẽ tăng cường kế hoạch dạy học mẫu để giáo viên cùng thảo luận, góp ý và hoàn thiện; đồng thời cử giáo viên dạy mẫu kế hoạch bài dạy, từ đó các thành viên trong tổ sẽ định hướng được kế hoạch bài dạy khác và rút ra những mặt còn hạn chế trong việc xây dựng và thực hiện. Về thực hành trên lớp, giáo viên định hướng các nhiệm vụ học tập và học sinh chủ động thực hiện để chiếm lĩnh kiến thức thay vì thầy cô thuyết trình học trò ghi chép như trước. Qua 3 năm thực hiện, nhận thấy học sinh chủ động tích cực hơn trong học tập.

Về kiểm tra đánh giá: Bám sát đúng yêu cầu cần đạt của chương trình. Đối với kiểm tra thường xuyên, nhà trường chỉ đạo tổ giao cho giáo viên đứng lớp chủ động với việc đánh giá bằng nhiều hình thức: Kết hợp bài kiểm tra nhỏ với dự án học tập, tìm hiểu các thông tin thực tế cần thiết cho bài học, bài tập nhóm,… đảm bảo bám sát xuyên suốt quá trình hoạt động học tập của học sinh.

Với kiểm tra định kỳ, theo đúng tinh thần tập huấn của Sở GDĐT Đắk Nông, phòng GDĐT Đắk Song tổ thống nhất xây dựng ma trận và bảng đặc tả bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình theo 4 mức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Để đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá môn Toán, trước hết cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho người dạy. Cơ quan quản lý giáo dục cần thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề chuyên sâu, chủ đề tích hợp liên môn nhằm đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, sử dụng kỹ thuật dạy học hiện đại hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Đối với giáo viên, trước mỗi bài học, thầy cô cần nghiên cứu, xác định mục tiêu bài học theo các cấp độ tư duy Bloom, xác định tiêu chí cần đạt của từng đơn vị kiến thức; từ đó xây dựng hình thức tổ chức phù hợp, sử dụng các kỹ thuật dạy học tích cực (làm việc nhóm, mảnh ghép, phòng tranh…). Dạy học phân hóa là giải pháp cần lưu ý nhằm phát huy thế mạnh, sở trường, tạo hứng thú cho các em khi học Toán.

Với mỗi đơn vị kiến thức, giáo viên đưa ra các dạng bài vận dụng thực tế, vấn đề toàn cầu, mang tính thời sự. Từ đó yêu cầu học sinh đề xuất biện pháp giải quyết vấn đề theo kinh nghiệm, vốn sống của bản thân.

Đổi mới gắn với chú trọng tăng cường chuyển đổi số, số hóa học liệu, ứng dụng CNTT trong dạy học

Giáo viên sử dụng hiệu quả các phần mềm, ứng dụng (Azota, Quizzi, Quizlet, Geometer’s sketchpad, Word wall…) phục vụ giảng dạy nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức. Ngoài ra, khuyến khích người học tự sáng tạo trò chơi vận dụng kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng công nghệ thông tin vừa tạo hứng thú học tập. Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, STEM, STEAM, các câu lạc bộ Toán học trong nhà trường cũng là giải pháp nhằm phát huy sáng tạo, đam mê học Toán, cũng như tìm ra học sinh tài năng để bồi dưỡng cho các cuộc thi thành tích cao. Đồng thời giáo viên cần tư duy hóa tiếp cận số hóa và chuyển đổi số hiện nay, cần biến thánh thức sự cần thiết này thành cơ hội để mỗi giáo viên luôn được làm mới, cập nhật mới, tư duy mới trong dạy học, cần có nhiều giải pháp, kiến tạo trong việc ứng dụng các phần mềm dạy học có hiệu quả, tránh “sốc” vì quá nhiều ứng dụng, cần số hóa học liệu để chuyển việc dạy học song song với dạy tự học cho học sinh.

 

Người viết: Thành Đạo