Ước mơ bác sĩ đưa nam sinh đến huy chương vàng Sinh học quốc tế

Lượt xem:

Đọc bài viết

Theo đuổi môn Sinh học vì muốn làm bác sĩ, Đặng Tuấn Anh, trường THPT Chu Văn An, giành huy chương vàng Olympic Sinh học quốc tế (IBO).

Trở về nước trưa 15/7 sau một tuần thi cử ở Kazakhstan, Tuấn Anh vẫn cảm thấy lâng lâng vì lọt vào top đầu trong số 320 thí sinh đến từ 81 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự IBO lần thứ 35.

“Em chưa từng nghĩ đến chuyện giành giải cao nhất cuộc thi. Em muốn cảm ơn và chia sẻ giải thưởng này với gia đình, thầy cô và bạn bè”, Tuấn Anh nói.

Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đoàn Việt Nam năm nay lọt top 3 toàn đoàn với ba huy chương vàng và một huy chương bạc. Đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam tại IBO, kể từ năm 2019 đến nay.

Đặng Tuấn Anh chụp tại cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế trước khi trở về nước, ngày 15/7. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đặng Tuấn Anh chụp tại nơi diễn ra cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế trước khi trở về nước, ngày 15/7. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đặng Tuấn Anh là cựu học sinh THCS Cổ Loa, huyện Đông Anh. Em bắt đầu tập trung vào môn Sinh từ năm lớp 9 vì ước mơ trở thành bác sĩ. Nhà ở ngoại thành, nam sinh chủ yếu tự học.

Sau khi thi đỗ lớp chuyên Sinh của trường THPT Chu Văn An, nam sinh thường tự mày mò các tài liệu về Sinh học để đọc và làm thêm. Từ giữa năm lớp 10, em học nâng cao, đặt mục tiêu vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học.

Trước khi dẫn đầu kỳ thi năm nay và lọt vào đội tuyển IBO, Tuấn Anh từng giành giải nhì năm lớp 11 cùng hàng loạt giải thưởng khác ở môn Sinh học.

Trong quá trình ôn luyện IBO, nam sinh hứng thú làm tất cả dạng bài lý thuyết và thực hành theo cuốn sách giáo khoa Sinh học Campbell, được mệnh danh là “bách khoa toàn thư Sinh học”. Ngoài ra, em làm thêm thí nghiệm, đọc sách của các thầy cô ôn luyện đội tuyển.

“Chúng em được nghe chia sẻ nhiều về các mùa thi trước để rút ra bài học, tránh lỗi sai và được làm nhiều thí nghiệm hơn”, Tuấn Anh cho hay. Vì thế, em và các bạn không bỡ ngỡ với phần thi thực hành tại IBO, vốn không phải là thế mạnh của học sinh Việt Nam những năm trước.

Theo Tuấn Anh, đề bài em nhận được trong phần này gồm ba câu hỏi, liên quan đến các chủ đề Sinh học phân tử, Hóa sinh, Giải phẫu và Sinh lý động vật, Tin – Sinh học. Thời gian cho mỗi câu hỏi là 1,5 giờ.

“Đề bài rất mới, nhưng chúng em cũng đã được thầy cô rèn dũa để tập suy luận khi gặp các dạng bài lạ”, nam sinh kể. “Em ấn tượng nhất với câu hỏi giải phẫu vì được thực hành mổ để xác định cấu tạo mắt của một con cừu”.

Nam sinh nói làm khá tốt câu hỏi này, song có một chút tiếc nuối vì phần trình bày thí nghiệm chưa hoàn hảo.

Phần thi lý thuyết yêu cầu thí sinh khoanh trắc nghiệm trong hơn ba giờ. Tuấn Anh nhận thấy câu hỏi trải dài nhiều chủ đề như tế bào, di truyền, tiến hóa, hình thái và sinh thái học. Tuấn Anh không gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn mắc một vài sai sót nhỏ.

“Nếu cẩn thận, có thể điểm của em còn cao hơn”, nam sinh nói. Hiện, ban tổ chức cuộc thi chưa công bố điểm cụ thể của các thí sinh.

Đặng Tuấn Anh tại sân bay Nội Bài, trưa 15/7. Ảnh: Fanpage THPT Chu Văn An

Đặng Tuấn Anh tại sân bay Nội Bài, trưa 15/7. Ảnh: Fanpage THPT Chu Văn An

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá đề thi năm nay đòi hỏi thí sinh am hiểu cả lý thuyết và thành thạo các kỹ năng thực hành, vận dụng đúng và hiệu quả kiến thức, kỹ năng từ kinh điển tới hiện đại để giải quyết nhiều bài toán đa dạng. Đây cũng là lần đầu tiên, nhiều học sinh Việt Nam đạt thành tích cao tại các bài thi thực hành.

Tuấn Anh đã được tuyển thẳng vào ngành Y khoa của trường Đại học Y Hà Nội và xác định sẽ học ở đây. Theo nam sinh, quá trình học đội tuyển, được thí nghiệm nhiều là một thuận lợi để em tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ.