Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Nông thăm, làm việc tại UNESCO

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chiều ngày 9/7, đoàn công tác tỉnh Đắk Nông do ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Khoa học Trái đất và Giảm thiểu rủi ro địa chất thuộc UNESCO.

Anh-tin-bai

Đoàn công tác làm việc với Ban Khoa học Trái đất và Giảm thiểu rủi ro địa chất thuộc UNESCO

Tham dự buổi làm việc có ông Kristof Vandenberghe, Trưởng Ban kiêm Thư ký Chương trình Khoa học Địa chất và Công viên địa chất toàn cầu (IGGP), bà Özlem Adiyaman, thành viên Ban, chuyên gia Chương trình IGGP.

Về phía tỉnh Đắk Nông có ông Điểu Xuân Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông cùng lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Ngô Thanh Danh đã gửi lời chào trân trọng và cảm ơn sâu sắc đến ông Kristof Vandenberghe cùng toàn thể nhân viên Ban Khoa học Trái đất và Giảm thiểu Rủi ro Địa chất về sự đồng hành, hỗ trợ từ UNESCO, mà trực tiếp là từ Ban Khoa học Trái đất và Giảm thiểu rủi ro địa chất trong suốt quá trình xây dựng và phát triển Công viên địa chất Đắk Nông.

Năm 2022, dưới sự bảo trợ của UNESCO, Đắk Nông đã phối hợp với Ủy ban hang động núi lửa quốc tế tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về núi lửa và hang động núi lửa lần thứ 20 tại Việt Nam. Việc UNESCO chính thức có Quyết định công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, giai đoạn 2024-2027 sau kì tái đánh giá lần I năm 2023, là minh chứng khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị di sản.

Anh-tin-bai

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông phát biểu tại buổi làm việc

Ông cũng nhấn mạnh sự hợp tác với UNESCO không chỉ giúp nâng cao năng lực quản lý Công viên địa chất Đắk Nông mà còn mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục, và du lịch bền vững. Sự hỗ trợ và chỉ dẫn từ UNESCO sẽ là nền tảng quan trọng để Đắk Nông phát triển bền vững mô hình công viên địa chất toàn cầu, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tại buổi làm việc, ông Kristof đã bày tỏ sự vui mừng được chào mừng đoàn công tác tỉnh Đắk Nông đến thăm Mái nhà chung UNESCO. Ông đánh giá cao những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học của Đắk Nông, hướng tới phát triển bền vững kinh tế xã hội địa phương. Ông khẳng định rằng, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã và đang đi đúng định hướng khi chú trọng phát triển mối liên kết giữa các loại hình di sản và tăng cường các hoạt động hợp tác mạng lưới. Đồng thời, nhấn mạnh rằng, việc hợp tác mạng lưới là yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt vượt trội của “danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu” so với các danh hiệu khác của UNESCO. Bên cạnh đó, ông Kristof cũng đề cao những hợp tác song phương và đa phương mà Đắk Nông đã ký kết, đặc biệt là hợp tác nhóm giữa các Công viên địa chất toàn cầu có núi lửa và cảnh quan núi lửa: Aso (Nhật Bản), Rinjani-Lombok (Indonesia), Jeju (Hàn Quốc) và Đắk Nông (Việt Nam).

Cũng tại cuộc họp, bà Özlem Adiyaman, chuyên gia Chương trình IGGP, bày tỏ mong muốn tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề chung về di sản địa chất mà nhóm các Công viên địa chất có cảnh quan núi lửa như Đắk Nông đang gặp phải, và bày tỏ thiện chí sẽ đồng hành cùng nhóm để xây dựng các dự án cụ thể, kêu gọi viện trợ từ Chương trình IGGP nhằm thu hút các nguồn vốn về tri thức và tài chính nhằm khắc phục các vấn đề chung của nhóm các công viên địa chất này như sạt trượt, nâng cao chất lượng giáo dục về giá trị và hiểm họa địa chất tiềm tàng của núi lửa…

Anh-tin-bai

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại UNESCO

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh cam kết tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất, văn hóa, và đa dạng sinh học, đồng thời mong muốn có thêm nhiều cơ hội hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với UNESCO cũng như các công viên địa chất khác trên toàn thế giới.

Buổi làm việc đã mở ra hướng tiếp cận mới cho Đắk Nông trong việc vận động các nguồn lực để bảo tồn và phát huy các giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Bạch Vân – thông tin từ Pháp.